CHI 100 TRIỆU ĐỒNG SỬA NHÀ LÀM HOMESTAY GIỮA COVID – 19
BẾN TRE – Nghĩ về quyết định của mình thời gian qua, Duy Thịnh thấy dịch Covid-19 là bước ngoặt để làm mới cuộc đời.
Tháng 9/2020, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có chiều hướng xấu đi, nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch gặp khó khăn và bắt đầu cắt giảm nhân sự. Quách Duy Thịnh (sinh năm 1992), quê Bến Tre đang là phó giám đốc cho một khu resort phải tự nghỉ việc để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp sau nhiều năm gắn bó.
“Mọi thứ thật chênh vênh và mơ hồ. Mình không bao giờ nghĩ đến cảnh mình không có việc làm vì tình yêu du lịch với mình rất lớn. Thói quen gặp gỡ, chăm sóc những vị khách từ khắp nơi trên thế giới và mọi miền đất nước đột nhiên biến mất, mình rất buồn”, Thịnh nói về những cảm xúc anh trải qua sau khi nghỉ việc.
Với kiến thức và kinh nghiệm đã có, Thịnh bắt đầu đi xin việc ở trung tâm Anh ngữ, các lớp dạy kỹ năng mềm và được nhận, tuy nhiên trong thâm tâm anh vẫn thấy mình sinh ra là để làm du lịch chứ không thể chuyển sang ngành khác. Nhìn lại ngôi nhà mình đang ở, Thịnh thấy nơi này là điểm tựa cuối cùng của mình và phải dành cả tâm huyết cho nó. Nhớ khách, nhớ nghề, anh quyết định sửa lại căn nhà, chào đón những vị khách đến cùng ăn, cùng nghỉ, trải nghiệm và tham gia vào cuộc sống thường nhật cùng gia đình mình.
Dịch Covid-19 đến bất ngờ và Thịnh cũng không có quá nhiều vốn liếng, căn nhà cấp 4 đang ở được anh giữ nguyên kết cấu, tân trang mọi thứ bằng gam màu sơn sáng để ngôi nhà thêm hài hòa trong không gian miền quê. Đồng thời, anh vay mượn thêm người thân khoảng hơn 100 triệu đồng để mua trang thiết bị cho phòng nghỉ, dụng cụ ăn uống chất lượng, sửa lại phòng ở cho khách và làm nhà vệ sinh khang trang hơn để khách có trải nghiệm thoải mái nhất.
“Mình lên kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ và làm việc nghiêm túc, người thân bạn bè thấy mình tâm huyết nên cho mượn 5 triệu, 10 triệu, gom lại hơn 100 triệu. Đâu đó, mọi người vẫn e dè vì sợ homestay không có khách”, Thịnh nói và cho biết anh muốn đón đầu xu thế du lịch khi Việt Nam mở cửa trở lại, lúc đó sẽ có khách quốc tế. Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn chưa chấm dứt nên homestay phù hợp với khách trong nước.
Với kinh nghiệm 10 năm làm việc trong ngành du lịch từ nhân viên phục vụ đến phó giám đốc một resort, Thịnh tự tay thiết kế không gian homestay, phòng nghỉ, đi khảo sát các điểm tham quan, lên thực đơn bữa ăn, dọn dẹp vệ sinh… “Mình cảm thấy tự tin khi mở ra dịch vụ homestay này”, anh nói. Sau 2 tháng sửa nhà, cuối năm 2020, một homestay giữa đất dừa ở ấp 1A, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm ra đời với tên gọi Maison du Pays de Bến Tre.
Khách đến homestay thường có độ tuổi 35-55, họ đi theo nhóm, gia đình hay bạn bè. Thịnh chỉ đón tối đa một đoàn khách và không quá 6 khách/đoàn để đảm bảo phục vụ được chu đáo.
Ngoài thời gian nghỉ dưỡng, đi bộ thong dong dưới những rừng dừa miền quê, khách có thể tham quan làng bánh phồng Sơn Đốc, nhà thờ La Mã, đi hái bưởi, thưởng thức dừa tươi tại chỗ, dừng chân ở những cánh đồng rau sạch để mua rau tự làm bữa cơm mình yêu thích. Bên cạnh đó, những buổi học nấu ăn luôn sẵn sàng cho khách chọn: làm bánh khọt nước cốt dừa nhân tép đậu xanh, nấu cơm nếp ăn kèm tép rang dừa hay muối mè, làm bánh cúng lá dứa, bánh chuối mì quết bốc.
Sau thời gian vui chơi bên ngoài, khách trở về homestay dùng bữa cơm quê Bến Tre với cà tím nướng mỡ hành ăn kèm nước mắm chua ngọt, tôm càng xanh luộc nước dừa xiêm chấm nước sốt, gà nổ muối hột lá bưởi… mọi món ăn đều được nấu bằng sản vật địa phương và do người thân trong gia đình anh Thịnh đứng bếp.
Đến hiện tại, anh Thịnh đón khoảng 100 lượt khách đến homestay với thời gian lưu trú trung bình là 3 ngày 2 đêm. Trước đợt Covid-19 thứ 4 bùng phát, chị Thúy Hằng cùng bạn đến homestay và khá hài lòng về nơi này.
“Mình xuất phát từ quận 5, TP HCM và mất hơn 3 giờ để đến nơi. Ấn tượng đầu tiên về nơi này là mọi thứ đều chuyên nghiệp, phải xuýt xoa trước bàn tay khéo léo của anh chủ, từng góc nhà đến món ăn đều được anh chuẩn bị công phu, chỉn chu. Nhóm mình đến sáng thứ 7 và chiều chủ nhật thì về, chi phí khoảng 1 triệu/người”, chị Hằng nói đợi khi hết dịch Covid-19, chị sẽ cùng bạn trở lại homestay lần nữa.
Nghĩ về quyết định của mình trong thời gian qua, Duy Thịnh thấy dịch Covid-19 là bước ngoặt để làm mới cuộc đời. “Dù có khó khăn cách mấy nhưng khi dám đương đầu và bước qua thì mọi gian khó cũng sẽ bị đẩy lùi lại sau lưng. Sau mỗi lần trắc trở, mình sẽ lại vững vàng, trải nghiệm nhiều hơn trong cuộc sống. Đó là kinh nghiệm quý báu làm tiền đề cho tương lai”, chủ homestay 29 tuổi tâm niệm.
Huỳnh Nhi