CUỐI TUẦN VỀ GIỒNG TRÔM TRẢI NGHIỆM ĐỔ BÁNH KHỌT ĐÚNG KIỂU MIỆT VƯỜN
Bốn người lữ khách leo lên chiếc xe đò trong một chuyến sớm nhất vào sáng thứ Bảy cuối tuần. Họ lặn lội từ Sài Gòn về nhà Maison du Pays de Bến Tre để chỉ trải nghiệm một ngày cùng gia đình học cách đổ bánh khọt chuẩn vị nhà quê.
Chiếc bàn nạo dừa đã chuẩn bị sẵn trên giường tre. Vừa đến nhà, mọi người đã xắn tay áo và bắt đầu học cách làm ra một thau bột đổ bánh thật ngon thật giòn. Chị Thuận và chị Nhi thì lại lặt rau. Trong rổ có lá cách, bay mùi thơm lừng. Còn hai anh đi cùng thì nạo dừa và pha trò nói chuyện rôm rả. Trong nhà có nội, bà Năm, bà Hai xúm lại phụ khách hòa các loại nguyên liệu để làm sao cho ra chiếc bánh giòn rụm.
Chiếc bánh khọt có màu vàng óng ánh. Rìa bánh phải cong cớn và giòn giã thì mới đúng điệu. Nhân và bột có vị mặn vừa thì tô nước chấm ăn kèm phải lạt vị nhưng khi hòa quyện thì phải đậm đà vừa miệng. Rau sống thì phải nhiều loại đủ các mùi hăng, cay, thơm để tạo tính tươi mát, bớt ngán khi ăn cùng chiếc bánh khọt.
Chiếc cà ràng được nhóm vài mo nang dừa để làm củi. Khuôn đổ bánh khọt được đặt lên. Kế bên là tô mỡ heo đi kèm một que chuối tươi. Khuôn bánh đã ngấm mỡ heo. Nhanh tay cho vá bột vào khuôn và ép thật mạnh để bột trở nên mỏng hơn. Cho nhân thịt vịt xay và tép bạc đất vào sau đó đậy nắp lại. Trong lúc chờ bánh chín thường xuyên xoay khuôn bánh để bánh chín đều.
Bánh chín đến đâu người lữ khách thưởng thức tới đó. Bánh ăn ngon khi còn nóng hôi hổi. Cho vào chén quấn chút rau sống và ngấm thật nhiều nước chấm trong chén để bắt đầu thưởng thức. Bánh khọt xứ này béo ngậy nước cốt dừa, vị nhân bánh có thịt vịt càng lạ miệng. Lá cách thì dậy mùi thơm quyến rũ. Người lữ khách ăn no và say mê thích thú.
Giữ lại nét đồng quê cùng những loại bánh xứ miệt vườn là một phần nhỏ trong ý niệm từ nhà Maison du Pays de Bến Tre gửi gắm đến du khách xa gần. Một ngày về Giồng Trôm trải nghiệm cách làm ra chiếc bánh khọt ngon lành trước hàng hiên mướt xanh chắc sẽ là kỷ niệm khó quên đến mọi du khách.
Quách Duy Thịnh